Năm 1971, một nhóm người dân cộng đồng Federal Way đã nhận ra rằng người dân trong khu vực gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận các dịch vụ mà họ cần. Vào thời điểm mà khu vực Nam Quận King mới chỉ có rất ít tổ chức dịch vụ nhân sinh và chưa có nhiều lựa chọn để đi lại, thì chính sự thừa nhận đơn giản đó đã làm nên một tổ chức tập trung mang tính đầu mối, phục vụ nhiều dịch vụ tại một nơi duy nhất. Tổ chức này đã từng bước mở rộng quy mô vượt ra ngoài phạm vi Federal Way để vươn tới các cộng đồng trên khắp khu vực Nam Quận King, hỗ trợ và cung cấp nguồn lực để đáp ứng rất nhiều nhu cầu thiết yếu của cộng đồng.
Quỹ Dịch Vụ Nhân Sinh Burien (Burien Human Services Fund) đã tài trợ cho Trung Tâm Đa Dịch Vụ (Multi-Service Center, MSC) từ năm 2009 và trở thành một trong những đối tác dịch vụ nhân sinh hoạt động lâu năm nhất mà Thành Phố quản lý. Tiền tài trợ của chúng tôi hỗ trợ cho các chương trình trợ cấp tiền thuê nhà và năng lượng từ cả Quận King và các công ty dịch vụ tiện ích địa phương. Tiền tài trợ của chúng tôi cũng góp phần hỗ trợ các gia đình ở nơi tạm trú của MSC, bằng cách giúp họ dễ dàng tiếp cận các nguồn lực khác và có được chỗ ở lâu dài, an toàn, hợp túi tiền.
Khi các cư dân của khu căn hộ Fox Cove Apartments buộc phải di dời sau khi tòa nhà họ đang sinh sống bị bán đi, Thành Phố đã hợp tác với Trung Tâm Đa Dịch Vụ để giúp họ tìm được nơi ở mới.
Trung Tâm Đa Dịch Vụ điều hành 650 căn hộ nhà ở có giá phải chăng ở các thành phố lân cận, đồng thời vận hành một khu tạm trú cho gia đình mà người dân cộng đồng Burien có thể tìm đến. Họ còn giữ vai trò đầu mối tiếp cận khu vực ở cực Nam cho chương trình tiếp nhận được điều phối của Quận King, kết nối những người vô gia cư với nguồn lực chỗ ở sẵn có và nơi tạm trú khẩn cấp.
“Khi nào mới giảm bớt đây?”
Trước đại dịch, nhân viên lễ tân của Trung Tâm Đa Dịch Vụ thường trả lời nhiều cuộc gọi mỗi ngày từ những người dân cần được giúp đỡ trong cộng đồng. Hầu hết những người mà họ giúp đỡ đều được xem là có thu nhập thấp, chưa tới 50% thu nhập trung vị của khu vực thành thị Seattle.
Nhưng trong những tháng đầu đại dịch, con số này đã tăng chóng mặt.
Bà Maju Qureshi, giám đốc chuyên trách ổn định kinh tế cho Trung Tâm Đa Dịch Vụ, cho biết: “Chúng tôi không có đủ khả năng để phục vụ những người dân có nhu cầu lớn và với lượng yêu cầu cao tới vậy. Nhân viên lễ tân của chúng tôi thường than thở ‘khi nào thì mới giảm bớt đây?'”
Không chỉ lượng cuộc gọi thay đổi. Mà đối tượng xin giúp đỡ cũng thay đổi.
Bà Qureshi nói: “Chúng tôi đã nhận được các cuộc gọi đầy tuyệt vọng từ những người từng có thu nhập $6,000 mỗi tháng trước đại dịch, nhưng lúc bấy giờ chỉ kiếm được $1,500 hoặc hoàn toàn mất thu nhập. Đó là những người mà trước đó chưa từng tìm đến trợ cấp tiền thuê nhà hay dịch vụ tiện ích. Họ cũng chưa từng ghé một điểm cấp phát thực phẩm nào”.
Nhiều tháng sau khi đại dịch bùng phát, Trung Tâm Đa Dịch Vụ đã bổ sung một vị trí điều phối viên tiếp cận cộng đồng để làm việc tại trung tâm. Người này kết nối trực tiếp người dân với nguồn lực, cung cấp những cách thức tốt hơn và đầu mối liên lạc để hỗ trợ. Người này cũng làm việc với Sở Y Tế Công Cộng (Public Health) – Seattle & Quận King để sắp xếp các phòng chích ngừa.
Bà Qureshi chia sẻ: “Nhiều người đã và vẫn đang không được tiếp cận đầy đủ với mạng Internet hay chỉ là một chiếc máy tính bình thường. Họ không biết được quy trình hay cách nộp đơn xin hưởng phúc lợi, rồi cả hệ thống khiến họ cảm thấy choáng ngợp – tình trạng này đã gây ra nhiều rào cản cho người dân”.
Khi các chương trình cứu trợ và khôi phục liên quan tới COVID-19 được triển khai, Trung Tâm Đa Dịch Vụ đã được mời làm đối tác chủ chốt. Họ đã thực hiện các khoản thanh toán để giúp người dân thanh toán tiền thuê nhà và hóa đơn năng lượng kịp thời thông qua Chương Trình Chống Trục Xuất và Hỗ Trợ Tiền Thuê Nhà (Eviction Prevention and Rent Assistance Program, EPRAP) của Quận King.
Nhiều tháng trôi qua, Trung Tâm Đa Dịch Vụ đã khảo sát những người họ đang tiếp cận thông qua các chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà và nhận ra rằng họ cần có chủ đích hơn bằng cách nỗ lực tiếp cận các cộng đồng nhiều hơn. Họ đã tìm kiếm các tổ chức nhỏ hơn hoặc những người lãnh đạo cộng đồng, đây là người có khả năng kết nối với những người dân khó có thể tự mình tìm kiếm sự trợ giúp. Tại Burien, họ đã hợp tác với giám đốc chương trình Giáo Dục Bản Địa (Native Education) của Highline Public Schools nhằm giúp đỡ các gia đình người Bản Địa tại địa phương tiếp cận chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà. Phương pháp tiếp cận qua “đối tác đáng tin cậy” này đã rất thành công trong việc tiếp cận những người thấy không thoải mái hay không thể điền đơn trực tuyến hoặc gọi tới đường dây nóng để xin hỗ trợ.
Nhu cầu tiếp cận thực phẩm ngày một lớn và Trung Tâm Đa Dịch Vụ đã ứng phó bằng cách chuyển đổi hoạt động của điểm cấp phát thực phẩm sang mô hình tạt xe lấy thực phẩm (drive-thru).
Họ cũng nghe được những ý kiến rằng mọi người đang cảm thấy bị cô lập, đặc biệt là các cựu chiến binh và những người dân không có nhà ở mà họ đang phục vụ.
Bà Qureshi cho biết: “Mọi người đang tìm kiếm một hình thức giao lưu nhất định”.
Khu vực phục vụ của MSC ở Nam Quận King là nơi tập trung số lượng người nghèo lớn nhất ở Quận King. Trong năm tài chánh 2021, đã có 42,637 người nhận dịch vụ từ MSC. 72% trong số những người này không phải là người da trắng, đây là minh chứng cho thấy người da màu đang phải chịu ảnh hưởng không cân xứng của tình trạng đói nghèo. MSC nhận ra những ảnh hưởng xấu của nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống và những tác động lâu dài của vấn nạn này đã khiến hàng trăm ngàn người dễ tổn thương và gia đình của họ rơi vào vòng xoáy đói nghèo ở khu vực Quận King.
Nhận thức và ứng phó với khủng hoảng chồng khủng hoảng
Sự kiện nổi cộm trong hai năm vừa qua là một đại dịch toàn cầu và những biến cố thời tiết ngày càng tồi tệ do biến đổi khí hậu gây ra. Các cộng đồng mà MSC phục vụ đang cảm nhận ngày càng sâu sắc tác động của những sự biến đổi này.
Trong bối cảnh xảy ra nhiều biến cố thời tiết cực đoan như nắng nóng, khói bụi và mùa đông lạnh giá trong vài năm qua, ngày càng nhiều người có nhu cầu có thêm nơi tránh trú thời tiết cực đoan. MSC đang giải quyết nhu cầu này bằng cách hợp tác với các cơ quan và tổ chức địa phương như tổ chức cung cấp hỗ trợ nhà ở FUSION, Dịch Vụ Cộng Đồng Người Công Giáo (Catholic Community Services) và tổ chức phi lợi nhuận Mary’s Place để nhanh chóng xây dựng những nơi tránh trú thời tiết cực đoan.
Bà Qureshi cho biết: “MSC nhận ra rằng đây là nhu cầu ở cấp độ khu vực, sẽ cần có sự hỗ trợ lâu dài của người dân trong cộng đồng và các viên chức thành phố địa phương để đảm bảo chuẩn bị sẵn các không gian an toàn, đảm bảo vệ sinh cho những người không có chỗ ở tìm đến khi thời tiết khắc nghiệt”.
Cũng trong năm 2020, trong một phong trào diễn ra trên cả nước nhằm kêu gọi thay đổi về mức đầu tư cho cộng đồng và lực lượng cảnh sát, bà Linsay Hill, giám sát viên các chương trình cộng đồng của MSC, đã xây dựng và điều phối tổ chức một sự kiện chữa lành cho Người Da Đen. Tầm nhìn của bà cho sự kiện này là tạo ra không gian để người dân trong cộng đồng được bộc lộ bản thân thông qua thi ca, nghệ thuật, bài hát, nhóm chia sẻ để chữa lành, âm nhạc và lắng nghe ý kiến từ những người cao niên có uy tín trong cộng đồng Người Da Đen. Sự kiện này chào đón công chúng nói chung và diễn ra qua hình thức phát trực tiếp trên Facebook, với số người tham gia trực tiếp giới hạn do tình hình COVID-19. Sự kiện được tổ chức một lần nữa vào năm 2021 và họ cũng có kế hoạch tiếp tục sản xuất sự kiện này hằng năm.
Khi được hỏi là người dân trong cộng đồng có thể làm gì để hỗ trợ nỗ lực của MSC, bà Qureshi nói: “Hai năm vừa qua thật khó khăn với tất cả mọi người. Nếu quý vị cảm thấy bị thôi thúc phải làm gì đó, thì quý vị nên giúp đỡ mọi người hoặc tham gia tình nguyện”.
Giới Thiệu Về Trung Tâm Đa Dịch Vụ
Trung Tâm Đa Dịch Vụ (MSC) hỗ trợ cải thiện các cộng đồng trên khắp khu vực Nam Quận King. Sứ mệnh của họ là tạo dựng một tương lai không có đói nghèo, thông qua việc xây dựng các lộ trình để người dân trong cộng đồng tiếp cận sự hỗ trợ, niềm hy vọng và phẩm giá. MSC khắc phục nguyên nhân và rào cản gây tình trạng đói nghèo và vô gia cư bằng các dịch vụ toàn diện, hỗ trợ đưa mọi người vượt qua khủng hoảng và tình trạng dễ tổn thương, nhằm tự chăm lo được cho bản thân và có cuộc sống ổn định. Với cách thức hỗ trợ và nguồn lực được thiết kế sao cho phù hợp với từng cá nhân, họ đang giúp mọi người tìm cách thoát nghèo.

Lời nhắn nhủ từ Colleen Brandt-Schluter, Giám Đốc Ủy Ban Dịch Vụ Nhân Sinh (Human Services) của Thành Phố Burien
Cuộc khủng hoảng do COVID-19 đã gây ra sự căng thẳng sâu sắc và lan rộng trên khắp các lĩnh vực và người dân kể từ khi bắt đầu bùng phát hồi đầu năm 2020. Vượt qua nghịch cảnh này, các tổ chức phi lợi nhuận, đặc biệt là những tổ chức đang xây dựng mạng lưới hỗ trợ an toàn, luôn không ngừng phục vụ cộng đồng trong giai đoạn đầy biến động này. Các tổ chức của chúng tôi không chỉ thay đổi mục tiêu ngắn hạn của tổ chức, mà phần đông đã thay đổi các ưu tiên của chương trình để đáp ứng những nhu cầu lớn nhất.
Những thay đổi này buộc phải đánh đổi bằng một số thứ và chúng ta có thể thấy rõ sức ép lên các tổ chức phi lợi nhuận. Các nhân viên tổ chức phi lợi nhuận cảm thấy sa sút tinh thần khi chứng kiến tình trạng của các thân chủ, họ gắng sức cung cấp tất cả các dịch vụ mà thân chủ cần, cũng như phải xoay xở để cung cấp các dịch vụ thiết thực theo một cách thức lạ lẫm hơn nhiều và thường thực hiện qua mạng.
Tôi tự hào biết bao khi được làm việc với những tổ chức mà chúng tôi tài trợ. Chúng tôi nhận ra rằng, bất chấp những thử thách này, các tổ chức phi lợi nhuận của chúng tôi vẫn rất linh hoạt và sáng tạo khi ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Các tổ chức phi lợi nhuận đang chứng tỏ khả năng linh hoạt và thích ứng xuất sắc trong giai đoạn bất thường này. Sự linh hoạt của họ bao gồm thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ với nguồn lực hạn chế nhất, trong thời gian ngắn nhất, xây dựng mối quan hệ đối tác mới với những tổ chức khác và chính quyền địa phương để có được nguồn lực tối đa, cân nhắc lại các ưu tiên của tổ chức và bổ sung chương trình mới nhằm đáp ứng các nhu cầu mới phát sinh.